Doanh nghiệp này cũng là một trong những cái tên thống lĩnh thị trường trong nước trong mảng kinh doanh của mình.
Mức tiêu thụ bia rượu của người dân Việt trong nhiều năm qua luôn đứng trong top đầu của khu vực và thế giới. Theo báo cáo từ Vietnam-Briefing, mức tiêu thụ bia của Việt Nam tính đến năm 2022 chiếm 2,2% thị trường toàn cầu, đạt 3,8 triệu lít bia hàng năm. Với con số này, Việt Nam dẫn đầu trong khu vực ASEAN về mức tiêu thụ bia.
Trong khi đó, tại báo cáo trong năm 2022 của Kirin Holdings (Nhật Bản), trong năm 2020, thế giới tiêu thụ tổng cộng 177 triệu kilô lít bia (1 kilô lít tương đương 1.000 lít), Việt Nam xếp thứ 9 thế giới về lượng bia tiêu thụ với hơn 3,8 triệu kilô lít.
Số liệu thống kê trong Khảo sát mức sống dân cư năm 2022 mới được Tổng Cục Thống kê công bố mới đây, mức tiêu thụ rượu bia, đồ uống khác như nước có ga, nước ngọt… năm 2022 của người Việt là 2,1 lít/người/tháng.
Tại Việt Nam, những công ty đang thống lĩnh thị trường phải kể đến những cái tên như Heineken, Carlsberg, Sapporo Breweries, Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Một trong những doanh nghiệp gần đây được nhắc tên nhiều nhất là Habeco. Nguyên nhân là do, trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam tháng 6, Thủ tướng Úc đã có trải nghiệm văn hoá ẩm thực đường phố độc đáo cùng sản phẩm của thương hiệu bia Việt Nam này.
Nhờ sự kiện như vậy, hình ảnh, thương hiệu và độ phủ sóng của Habeco đã tăng lên rất nhiều, hơn hẳn bất kỳ một chiến dịch truyền thong, quảng bá thương hiệu nào khác.
Mới đây, Habeco đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023. Theo đó, doanh thu thuần khoảng 2.078 tỷ đồng. Doanh thu tài chính tăng gấp đôi lên 58 tỷ đồng, chủ yếu do sự tăng mạnh của lãi tiền gửi, tiền cho vay và lãi chênh lệch tỷ giá.
Giá vốn tăng 2% lên 1.547 tỷ đồng khiến lãi gộp giảm xuống 531 tỷ. Biên lãi gộp cũng giảm xuống 25,5%.
Tổng chung, trong quý, lợi nhuận sau thuế của Habeco đạt hơn 188 tỷ đồng. Tính trung bình mỗi ngày, Habeco lãi hơn 2 tỷ đồng.
Do kết quả kinh doanh quý 1 không mấy thuận lợi với khoản lỗ 3,6 tỷ đồng nên tổng chung 6 tháng đầu năm, Habeco ghi nhận doanh thu đạt 3.333 tỷ đồng, giảm hơn 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 184 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023 được đánh giá là một năm khó khăn chung của nền kinh tế cũng như ngành bia. Theo báo cáo của Habeco, lạm phát, tỷ giá ngoại tệ, lãi suất biến động khiến giá cả nhiều yếu tố đầu vào và chi phí sản xuất kinh doanh có xu hướng tăng sẽ tác động đến hoạt động kinh doanh của công ty.
Ngoài ra, công ty cũng phải chịu cạnh tranh gay gắt từ những đối thủ lớn cũng gay không ít trở ngại cho quá trình thực hiện mục tiêu doanh số.
Chính vì vậy, năm 2023, Sabeco đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần 40.272 tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế dự kiến 5.775 tỷ đồng, tăng 5% so với thực hiện trong năm 2022. Như vậy, sau nửa năm, Sabeco đã hoàn thành được 36% kế hoạch doanh thu và 38% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Tiền thân của Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội là Nhà máy bia Hommel được người Pháp xây dựng từ năm 1890. Ngày 6/5/2003, Bộ trường Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) quyết định thành lập Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội. Năm 2008, Tổng công ty chính thức chuyển đổi mô hình tổ chức từ một Tổng Công ty Nhà nước sang Tổng Công ty Cổ phần.
Đến nay, Habeco đã trở thành một trong các doanh nghiệp hàng đầu của ngành đồ uống Việt Nam. Tính đến hết ngày 30/6/2023, công ty có tổng cộng 515 nhân viên, 16 công ty con, 6 công ty liên két hợp nhất theo phương pháp vốn chủ sở hữu với tỷ lệ sở hữu từ 27,21 - 44,22%.
Theo cơ cấu cổ đông, tính đến hết quý 2/2023, Nhà nước nắm giữ 81,79% vốn Habeco. Cổ đông lớn thứ 2 là Carlsberg nắm 17,34% vốn.