Đối với doanh nghiệp và các nhà đầu tư, tình hình tài chính doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng và là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Một doanh nghiệp biết cách quản lý tài chính chuyên nghiệp, hiệu quả sẽ dễ dàng sinh lợi hơn. Tài chính doanh nghiệp là gì và có ý nghĩa thực sự là gì, vai trò ra sao? Tất cả thông tin sẽ được cung cấp qua các nội dung dưới đây.
1. Tài chính doanh nghiệp là gì?
Tài chính doanh nghiệp là một hệ thống các quan hệ kinh tế dưới hình thái giá trị phát sinh trong quá trình doanh nghiệp tạo lập, phân phối nguồn tài chính và tiền tệ. Quá trình chu chuyển nguồn vốn nhằm phục vụ mục đích sản xuất để đạt được mục tiêu chung của doanh nghiệp.
Về bản chất, tài chính doanh nghiệp chỉ các hoạt động liên quan đến hệ thống quản lý tài chính doanh nghiệp, bắt đầu từ khâu huy động vốn đến sử dụng nguồn vốn vào quy trình sản xuất, kinh doanh. Tài chính doanh nghiệp trong tiếng Anh gọi là “Corporate finance”.
Tài chính doanh nghiệp có một số đặc trưng cơ bản sau:
Hoạt động tài chính doanh nghiệp liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Hoạt động tài chính của doanh nghiệp bị chi phối bởi tính chất sở hữu vốn trong mỗi doanh nghiệp.
Hoạt động tài chính của doanh nghiệp bị chi phối bởi mục tiêu lợi nhuận: Mọi kế hoạch tài chính, hoạt động tài chính đều được thực hiện với mục đích cuối cùng là lợi nhuận.
Hoạt động tài chính doanh nghiệp cần đảm bảo nguyên tắc tôn trọng pháp luật trong tất cả mọi khâu, mọi quy trình.
2. Nội dung của tài chính doanh nghiệp
Tài chính doanh nghiệp thường bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
Lập kế hoạch đầu tư: Nhà quản trị cần tìm kiếm các cơ hội đầu tư có khả năng mang lại lợi nhuận, lên kế hoạch chi tiêu, dự tính doanh thu, lợi nhuận, các rủi ro có thể xảy ra,...
Quyết định đầu tư: Căn cứ vào quá trình hoạch định, dự toán vốn đầu tư và đánh giá hiệu quả của dự án đầu tư, nhà quản trị đưa ra quyết định đầu tư.
Xác định nhu cầu vốn, huy động vốn: Căn cứ trên kết cấu nguồn vốn, hình thức huy động, ưu và nhược điểm của từng hình thức huy động, chi phí sử dụng nguồn vốn,...
Theo dõi và quản lý chặt chẽ nguồn vốn, các khoản thu, chi để đảm bảo khả năng thanh toán của doanh nghiệp.
Phân phối lợi nhuận, lập và sử dụng các quỹ doanh nghiệp.
Kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp thông qua các chỉ số: Tình hình thu, chi, báo cáo tài chính,... nhằm đánh giá hiệu quả sử dụng vốn và đưa ra các quyết định trong hoạt động tài chính và kinh doanh.
Triển khai kế hoạch tài chính doanh nghiệp: Cụ thể hóa bằng các quyết định liên quan đến tài chính doanh nghiệp, các quyết định tài chính chiến lược như quyết định đầu tư, vay vốn, huy động vốn hay phân chia lợi nhuận (chi trả cổ tức đối với công ty cổ phần).
3. Chức năng và vai trò của tài chính doanh nghiệp
Trong số những mảng cấu thành doanh nghiệp, tình hình tài chính được quan tâm hàng đầu vì có chức năng và vai trò quan trọng, được ví như “sức khỏe” của doanh nghiệp.
3.1. Chức năng của tài chính doanh nghiệp
Tài chính doanh nghiệp có các chức năng chính như sau:
Tạo nguồn vốn và luân chuyển nguồn vốn: Hoạt động tài chính doanh nghiệp sẽ tạo và huy động nguồn vốn, nhằm đảm bảo nguồn vốn ổn định, cung cấp đầy đủ cho hoạt động của doanh nghiệp để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.
Theo dõi, giám sát nguồn vốn: Nhân sự phụ trách quản lý tài chính doanh nghiệp có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra quá trình luân chuyển nguồn vốn nhằm đề xuất phù hợp để nâng cao hiệu quả kiểm soát nguồn vốn.
Phân phối thu nhập: Nguồn vốn của công ty cần được sử dụng vào mục đích phù hợp, chính đáng và tối ưu nhằm đạt hiệu quả sử dụng nguồn vốn cao nhất.
3.2. Vai trò của tài chính doanh nghiệp
Tài chính doanh nghiệp đóng vai trò “chủ chốt” và không thể thiếu đối với mỗi doanh nghiệp. Đây là công cụ để quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty.
Một số vai trò chính của tài chính doanh nghiệp:
Tăng hiệu quả và nguồn huy động vốn: Tài chính doanh nghiệp đảm bảo việc huy động vốn được diễn ra đều đặn, liên tục, duy trì tính ổn định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nghĩa là việc huy động vốn đảm bảo cho hoạt động của doanh nghiệp được diễn ra bình thường.
Góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp: Hoạt động tài chính sẽ cung cấp nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh, giảm các khoản lãi vay, góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận sau thuế.
Kiểm soát tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp: Tài chính doanh nghiệp được xem như “đòn bẩy” để hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được diễn ra thuận lợi, ổn định hơn thông qua việc cân đối thu chi, thu hút nguồn vốn, đưa ra giá bán hàng hóa,... Dựa vào các hoạt động này, doanh nghiệp dễ dàng kiểm soát các hoạt động đang được thực hiện hiệu quả hay không để có sự điều chỉnh kịp thời.
Trên đây là một số thông tin tổng quan về tài chính doanh nghiệp. Tài chính doanh nghiệp là một phần cấu thành không thể thiếu của mọi doanh nghiệp, việc quan tâm, chú trọng tình hình tài chính sẽ góp phần không nhỏ trong việc sử dụng, luân chuyển nguồn vốn và góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Source: einvoice.vn