YouTube khởi động quỹ Shorts trị giá 100 triệu USD trả cho các nhà sáng tạo nội dung số tiền lên tới 10.000 USD/tháng.
Kể từ năm 2019, YouTube Shorts của Google chính thức trở thành đối thủ cạnh tranh của TikTok. Việc ứng dụng video ngắn sở hữu 2 tỷ người dùng theo dõi mỗi tháng cùng một loạt tính năng đã biến đây trở thành đối thủ trực tiếp của gã khổng lồ video ngắn Trung Quốc.
Mới đây nhất, Shorts ra mắt 6 công cụ mới dành cho người sáng tạo nội dung. Thành công của ứng dụng trong suốt 4 năm qua chủ yếu đến từ chính sách chia sẻ doanh thu hào phóng với các content creator thông qua chương trình AdSense của YouTube. Những người sáng tạo này, sau khi nhận được mức hoa hồng thoả đáng, sẽ có thêm động lực tạo ra các video chất lượng cao thu hút người dùng.
Động thái trên đánh dấu bước tiến mới giúp YouTube giành lợi thế trong cuộc chiến video dạng ngắn, được đưa sau khi TikTok bắt đầu thanh toán hào phóng cho những người tạo video trên 60 giây. Trong khi đó, Meta cũng tung ra Reels nhằm mục đích hỗ trợ người dùng sáng tạo dễ dàng các clip ngắn.
Với những tính năng mới sao chép từ TikTok, đồng thời tối ưu hóa việc sáng tạo nội dung, liệu YouTube có thể đánh bại gã khổng lồ video Trung Quốc?
Theo các chuyên gia, việc Shorts ra mắt 6 tính năng mới là một khởi đầu tuyệt vời. Nguồn cấp dữ liệu của ứng dụng sẽ tương tự For You của TikTok, còn người dùng không bị giới hạn đề xuất các nội dung.
“Tôi nghĩ việc Youtube Shorts ra mắt tính năng mới đóng vai trò vô cùng quan trọng”, Leanne Perice, người sáng lập công ty quản lý content creator Made By All, nhận định.
The Fortune, một trong những tính năng nổi trội là YouTube Shorts cho phép người sáng tạo dễ dàng cắt nội dung clip truyền thống thành dạng video ngắn. Ayomi Samaweera, người sáng lập nền tảng Canopy, gọi đây là yếu tố “thay đổi cuộc chơi” vì chúng giúp quá trình chỉnh sửa được đơn giản hoá.
“Thật khó để chỉnh sửa và tạo cả video dạng dài và dạng ngắn. Nó mất rất nhiều thời gian và công sức. Shorts đang cho người dùng công cụ để có thể làm điều đó dễ dàng hơn, từ đó tiếp cận một cộng đồng khác trên nền tảng”, Ayomi Samaweera nói đồng thời cho biết đây chính là nỗ lực lớn nhất của Shorts nhằm tăng mức độ lan truyền video, ngay cả trong bối cảnh TikTok đang thống trị.
Theo Phó Chủ tịch YouTube Tara Walpert Levy, các nhà sáng tạo nội dung được hưởng lợi từ cách tiếp cận đa nền tảng như video ngắn và phát sóng trực tiếp (livestream) trên YouTube. Cách tiếp cận này mang lại nhiều kết quả tích cực khi các kênh đăng ký có thể chia sẻ cả nội dung ngắn và dài với người xem, từ đó giúp số lượng đăng ký theo dõi tăng lên.
Về cơ bản, Youtube Shorts giúp bạn tạo ra những video có độ dài khoảng 60 giây, kèm theo đó là rất nhiều công cụ để chỉnh sửa video, hiệu ứng thú vị hay âm thanh để lồng ghép. Hàng chục tỷ USD đã được chi hào phóng cho những người sáng tạo nội dung, nghệ sĩ và công ty truyền thông để trải nghiệm thử Shorts.
Được biết vào năm ngoái, YouTube khởi động quỹ Shorts trị giá 100 triệu USD trả cho các nhà sáng tạo nội dung số tiền lên tới 10.000 USD/tháng để họ thiết kế những video có nội dung hấp dẫn. Số tiền thanh toán thay đổi tùy theo mức độ tương tác và vị trí của người xem.
“Những gì tôi nghĩ mà TikTok có thể học được từ Shorts và rộng hơn là YouTube, đó là đặt các nhà sáng tạo nội dung là ưu tiên cao nhất”, Kevin Ferguson, giám đốc vận hành kiêm đối tác của Shorts, nói.
Youtube không phải là nền tảng duy nhất cạnh tranh với Tiktok bằng cách vung tiền “mua chuộc” những người sáng tạo nội dung ngay từ giai đoạn thử nghiệm. Snapchat cũng từng trả 1 triệu USD/ngày cho các content creator hoạt động trên Spotlight - một bản sao Tiktok.
“ByteDance là một công ty cực kỳ láu lỉnh với khả năng di chuyển nhanh và không sợ rủi ro”, ông Ferguson nói với Forbes. “Những gì chúng tôi có thể học được từ TikTok đó là tốc độ thực thi”.
Lần đầu tiên được công bố vào tháng 9/2020, Shorts đã được mở rộng tới 100 quốc gia. Giới chuyên gia đều nhận định rằng bước đi này giúp thị trường video ngắn trở nên sôi động, từ đó phá vỡ thế độc quyền của TikTok.
Tháng 5 vừa qua, Google cho biết nền tảng YouTube đã tạo ra gần 40 tỷ USD doanh thu chỉ trong 12 tháng. Shorts đóng góp vai trò quan trọng trong việc đạt được thành tích này.
“Cỗ máy in tiền của chúng tôi, đầu tiên và mạnh nhất, vẫn là từ quảng cáo”, theo CEO Neal Mohan nói, đồng thời cho biết YouTube sẽ vẫn tập trung vào các cơ hội quảng cáo trên các sản phẩm nổi bật, trong đó có Shorts.
Kat Buno, một nhà sáng tạo nội dung từng có 5,4 triệu người đăng ký theo dõi trên YouTube, mới đây quay trở lại nền tảng. Lần này, cô dành mọi nguồn lực cho Shorts vì loại nội dung dễ dàng thực hiện, ngay cả trên điện thoại. Kat nhìn nhận Shorts “như một khoản đầu tư dài hạn” do đó cố gắng xây dựng tệp người xem cho đến khi thực sự kiếm được tiền.
Theo: Fortune, Forbes